Dưới mái nhà trình tường của người Mông ở Hà Giang

Đồng bào Mông chiếm đa số trong các dân tộc ở cao nguyên đá Hà Giang. Nói đến văn hóa của đồng bào Mông không thể không kể đến kiến trúc của ngôi nhà trình tường truyền thống, bởi đây là thước đo không chỉ đánh giá sự giàu có, mà còn là căn cứ để xác định đâu là người Mông cư trú lâu nhất vùng.

Ngôi nhà trình tường của đồng bào Mông thường được làm bằng đất phù hợp nhất môi trường sống ở trên các sườn núi cao, khí hậu lạnh khắc nghiệt. Với ưu điểm vừa giữ ấm về mùa đông, mát mẻ trong mùa hè và có thể chống được kẻ gian, thú dữ.

So với nhà trình tường của người Hà Nhì, Lô Lô, Tày, Dao... nhà trình tường của người Mông có những đặc trưng riêng rất dễ nhận ra. Trước tiên là hàng rào đá bao quanh, được dựng lên từng những tảng đá lớn, xếp chồng khít thành một khối vững chắc. Không cần xi măng hay vôi vữa, hàng rào đá vẫn vô cùng kiên cố và có thể chống chọi lại trước thiên tai. Thời gian càng trôi qua, những hàng rào đá này lại càng gắn kết và keo sơn hơn nữa. Ngoài cửa chính lúc nào cũng treo một tấm vải đỏ, cửa nhà bao giờ cũng mở vào trong chứ không mở ra ngoài. Dù to hay nhỏ, nhà trình tường của người Mông thường có ba gian. Trong đó, bố trí gian bên trái dùng để đặt bếp lò và chỗ ngủ của vợ chồng chủ nhà. Gian bên phải đặt bếp sưởi và giường khách. Gian giữa rộng hơn để đặt bàn thờ tổ tiên và là nơi tiếp khách, ăn uống của gia đình.

Điều làm nên nét đẹp nguyên sơ, thơ mộng cho những ngôi nhà trình tường của người Mông chính là những màu xám của đá và nâu vàng của tường đất bỗng nổi bật sắc. Tất cả như hòa quyện tạo nên một bức tranh thiên nhiên độc đáo giữa cao nguyên đá, khiến bất cứ ai ngang qua cũng phải dừng chân ghé lại ngắm nhìn.

Để tạo nên những bức trình tường độc đáo, người Mông thường chọn loại đất có độ kết dính cao, loại bỏ sạch rễ cây, đá to, cỏ rác. Công đoạn từ đào móng đến trình tường nhà rất công phu, móng sâu khoảng 1m, xếp đá để tránh ẩm ướt và có độ bền cao, chọn loại đất đồi có độ kết dính cao đưa vào ván khuôn dày khoảng 40 phân, dùng chày gỗ giã nén chặt với nhau. Trong quá trình hoàn thiện, tiếp tục lấy vồ gỗ đập vào thành các bức tường cả ở phía trong và phía ngoài làm cho mặt tường thật phẳng và mịn, sau đó mới làm xà nhà và lợp mái. Tất cả các khâu để hoàn thiện một ngôi nhà trình tường đều được làm thủ công bằng tay mà không dùng bất cứ máy móc nào.

Những ngôi nhà trình tường ở cao nguyên đá Đồng Văn không thiếu, nhưng có lẽ ấn tượng và nổi tiếng nhất sẽ là ngôi nhà trình tường hai tầng từng là bối cảnh trong bộ phim “Chuyện của Pao”. Ngôi nhà nổi tiếng này còn tượng trưng cho những ngôi nhà của các dòng dõi dân tộc Mông sinh sống ở cao nguyên đá Hà Giang. Dù là ở trong phim hay ngoài đời thì ngôi nhà vẫn giữ được nét đẹp vừa dân tộc, vừa bình dị, hoang sơ nhưng cũng thật nên thơ và hữu tình.

Nằm giữa bốn bề núi rừng hoang sơ, hùng vĩ, ngôi nhà trình tường này hiện lên như một điểm nhấn quan trọng khiến cho bức tranh cao nguyên đá cằn cỗi, xám xịt bỗng trở nên sinh động và hữu tình, thơ mộng hơn hẳn. Sự cộng hưởng và kết hợp hài hòa giữa cuộc sống nhẹ nhàng, êm đềm của con người nơi đây cùng với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, bao la khiến cho bất cứ du khách nào cũng sẽ có cảm giác bình yên, thư thái trong tâm hồn.

Công ty thành viên :

DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH