Miền Nam
Những đặc sản Đồng Tháp được lòng du khách
Là một tỉnh nằm ở đầu nguồn sông Tiền, tiếp giáp Campuchia, cùng hệ thống kênh rạch chằng chịt, sông ngòi dày đặc Đồng Tháp là nơi có hệ sinh thái đa dạng, sản vật dồi dào, nguồn lương thực phong phú nhờ vào lượng phù sa màu mỡ được vun bồi hàng năm theo mùa nước nổi, điều này tạo nên sự đa dạng phong phú trong ẩm thực của địa phương mà du khách khó bỏ qua:
1/. Những món ăn từ Sen
Đồng Tháp được xem như là vùng đất của Sen, với vị trí vùng đất trũng phù hợp với những loại cây sống trong bùn do đó ngoài cảnh sắc của những cánh đồng sen bạt ngàn tỏa hương, thì các sản phẩm từ cây sen như hạt sen, ngó sen, tim sen, lá sen đều tạo nên những món ăn hấp dẫn khó quên: chè hạt sen, cơm hạt sen, gỏi ngó sen, hạt sen khô, chè hạt sen, rượu sen… và là món quà ý nghĩa của người dân vùng đất Sen Hồng muốn gửi đến du khách phương xa.
2/. Bánh phồng tôm Sa Giang
Từ năm 1960, bánh phồng tôm Sa Giang đã được biết đến rộng rãi trong cả nước và hiện nay đã xuất khẩu hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ và là món ăn không thể thiếu trong các gia đình Việt. Bánh phồng tôm là sản phẩm sáng tạo của người Đồng Tháp khi tận dụng nguồn nguyên liệu phong phú của địa phương gồm tôm, tép, bột gạo xay nhuyễn cùng với gia vị, trộn đều nhau sau đó đem nhồi tạo hình, hấp chín và cắt bánh phơi khô. Sau khi chiên lên, bánh giòn, xốp, có vị ngọt, béo và mùi thơm đặc trưng của gia vị, của tôm.
3/. Nem Lai Vung
Trên cả nước có rất nhiều vùng có đặc sản nem nổi tiếng như nem Thanh Hóa, nem Huế, nem Chợ Huyện Bình Định, nem Ninh Hòa nhưng đối với nhiều du khách Nem Lai Vung lại có 1 sức hút riêng bởi món đặc sản Đồng Tháp này sở hữu hương vị khác biệt với các loại nem khác. Nem Lai Vung được làm từ thịt heo, bì heo, ớt chín, gia vị, các loại lá như lá vông, lá chùm ruột, lá chuối vừa có vị ngòn ngọt của thịt tươi, sần sật của bì heo, vị chua thanh của lá vông, lá chùm ruột, quyện vào đó là vị cay cay của ớt chín đỏ. Từng ấy thứ hương vị trộn lẫn với nhau trong chiếc nem chua nhỏ nhắn, khiến cho bất kỳ ai đã từng thưởng thức món đặc sản này đều khó quên.
4/. Quýt hồng Lai Vung
Cách thành phố Sa Đéc khoảng chục cây số, Lai Vung được thiên nhiên ban tặng nguồn nước ngọt và lượng phù sa màu mỡ, nên từ lâu đã trở thành vùng cây lành, trái ngọt, đặc biệt là trái quýt hồng đặc sản nổi tiếng cả nước. Cây quýt ở đây cho trái to, màu hồng tươi, múi lại mọng nước, có mùi thơm dịu và vị ngọt. Đất trồng thích hợp với loại quýt hồng là đất sét mỡ gà, do đó ở Lai Vung chỉ phát triển được trái quýt hồng ở 3 xã là: Tân Thành, Tân Phước, Long Hậu.
Điều làm nên thương hiệu cho quýt hồng Lai Vung ngoài chất lượng ngon ngọt, đẹp mắt, là những năm gần đây các nhà vườn ở Lai Vung còn trồng quýt theo tiêu chuẩn VietGAP, hạn chế xịt thuốc bảo vệ thực vật, bón phân theo quy trình giúp cây ít bệnh, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu độc quyền khiến quýt hồng Lai Vung càng là trái cây đặc sản được ưa chuộng. Có dịp ghé vườn quýt hồng Lai Vung, du khách sẽ được trải nghiệm tham quan vườn quýt, chụp ảnh với những cây quýt hồng chín trĩu quả và thỏa thích nếm thử món đặc sản này.
5/. Bánh tằm bì Sa Đéc
Bánh tằm bì là một loại bánh màu trắng đục, làm từ bột gạo, vo thành từng cọng dài, tách rời nhau có hình dạng giống con tằm được hấp cách thủy để làm chín. Bánh tằm bì thường ăn cùng bì trộn thính với hành phi, thịt xíu mại, nước mắm tỏi ớt, rau giá sống, đậu phộng, mỡ hành, đồ chua, và nước cốt dừa béo ngậy. Bánh tằm là món quà của những khu chợ quê miền Tây dân dã, gắn liền với biết bao người dân Sa Đéc, nay được du khách đón nhận và trở thành 1 món ăn riêng có của xứ này.
6/. Cá lóc nướng trui cuốn lá sen non
Cá lóc nướng trui là món ăn dân dã đặc trưng của vùng sông nước Tây Nam Bộ. Món ăn này gắn liền với quá trình khai hoang mở cõi đất phương Nam của dân tộc Việt. Biến tấu từ món cá lóc nướng trui, người dân Đồng Tháp Mười dùng thêm lá sen non tạo ra món ăn đặc sản đậm chất địa phương với tên gọi mộc mạc là cá lóc nướng trui cuốn lá sen non. Cá được nướng nguyên con, giữ lại bộ đồ lòng. Sau khi nướng, cá được rưới lên mỡ hành và đậu phộng… nước chấm được chế biến từ nước mắm cá linh và me chín dốt, nêm thêm ít gia vị, tỏi, ớt sao cho có vị mằn mặn, thơm lừng của nước mắm gốc, vị chua của me, vị ngọt của đường, vị cay của ớt. Gắp miếng cá lóc cuốn cùng lá sen non và các đồ ăn kèm, chấm thêm nước mắm me, thực khách cảm nhận đầy đủ vị chua, chát, mặn, ngọt… Da cá lóc vừa béo vừa giòn, thịt cá ngọt, thơm bùi, ruột cá đắng dịu, vị lá sen non chát nhẹ, thoang thoảng mùi hương sen, khiến thực khách khó thể cưỡng lại.
7/. Hủ tiếu Sa Đéc
Nhắc đến hủ tiếu thì hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu Mỹ Tho đã rất quen thuộc với du khách nhưng hủ tiếu Sa Đéc cũng là một món ăn đặc sản trứ danh của vùng đất Sen Hồng mà du khách nên nếm thử. Đặc điểm sợi hủ tiếu Sa Đéc được làm bằng bột gạo, mang màu trắng sữa, cọng to, sợi rất mềm, có độ dai vừa phải mà không bị bở. Ưu điểm trên nhờ nơi đây có nguồn nước dồi dào từ sông Tiền, không nhiễm phèn hay lợ, nên rất thuận lợi trong việc sản xuất bột gạo làm bánh hủ tiếu. Từ đó, mà sợi hủ tiếu Sa Đéc mang hương vị độc đáo hơn so với sợi hủ tiếu thông thường. Hủ tiếu Sa Đéc kết hợp với nước dùng trong trẻo, những miếng ruột non, tim, gan, cật, thịt nạc, mực tươi… xếp đầy đặn trên lớp bánh hủ tiếu, rưới nước dùng thơm ngọt của xương ống heo, mực và tôm khô được hầm kỹ bốc mùi thơm phức, ngay phút đầu gợi cho thực khách một bữa ăn ngon miệng.
8/. Lẩu cá linh bông điên điển
Khoảng thời gian từ tháng 9 đến hết tháng 11 là mùa nước nổi ở Ðồng Tháp, khi nước lũ về mang theo bao phù sa màu mỡ và sản vật từ thiên nhiên như cá, cua, tôm… đây cũng là mùa cá linh sinh sôi, mùa bông điên điển nở vàng hai bên bờ sông. Cá linh và bông điên điển là đặc sản mùa nước nổi của Ðồng Tháp, người dân địa phương thường dùng chúng để chế biến thành rất nhiều món ăn hấp dẫn, trong đó món ngon đặc sản hấp dẫn như bông điên điển xào tép, gỏi bông điên điển, cá linh nấu canh chua, cá linh kho mía… và ngon nhất nổi tiếng nhất khi Ðồng Tháp vào mùa nước nổi chính là lẩu cá linh bông điên điển. Đầu mùa nước nổi là lúc cá linh ngon nhất bởi lúc này cá chưa lớn hẳn nên xương mềm, thịt ngọt, bụng lại béo ngậy, kết hợp với bông điên điển đầu mùa cũng thơm giòn hơn, cả 2 hòa quyện tạo nên món lẩu thanh mát và lạ miệng mà không món lẩu nào có được.
9/. Mứt chuối phồng
Vùng đất Lai Vung không chỉ có Nem và quýt hồng, mà chuối xiêm đen cũng là một loại trái cây đặc trưng và được trồng quanh năm tươi tốt, đi đến đâu du khách cũng có thể bắt gặp những hàng chuối được trồng từ trên bờ bao đến liếp vườn, mọc dài theo các con lộ. Người dân địa phương đã phát triển một sản phẩm gắn liền với giống chuối có hương thơm độc đáo, vị ngọt đậm đà đó là mứt chuối phồng hay còn gọi là kẹo chuối, một món ngon Đồng Tháp.
Hãy nhớ thử khi có dịp ghé thăm Đồng Tháp bạn nhé!