Bảo tàng Côn Đảo - hành trình 113 năm địa ngục trần gian

Côn Đảo là một vùng đất anh hùng, nơi ghi dấu sự hy sinh anh dũng cùng ý chí kiên cường của ông cha trong sự nghiệp đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Bảo tàng Côn Đảo là nơi lưu giữ, trưng bày, bảo quản và giới thiệu các hiện vật lịch sử, văn hóa của mảnh đất, con người Côn Đảo đồng thời là nơi du khách có thể tìm hiểu về lịch sử đấu tranh nhà tù Côn Đảo trong 113 năm “ Địa ngục trần gian”.

Đôi nét về nhà tù Côn Đảo- 113 năm” Địa ngục trần gian”

Côn Đảo là một huyện đảo thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cách Vũng Tàu 97 hải lý, cách cửa biển sông Hậu 45 hải lý. Côn Đảo còn được biết đến qua những cái tên khác nhau như Côn Sơn, Côn Lôn hay Côn Nôn, cũng có tên khác theo cách gọi của người Khmer là Koh Tralach. Côn Đảo gồm 16 hòn đảo lớn, nhỏ với tổng diện tích gần 74 km², địa hình chủ yếu là đồi núi.

Sau khi chiếm được Côn Đảo vào năm 1861, thực dân Pháp quyết định biến hòn đảo xinh đẹp này thành nhà tù. Với vị trí bốn bề là biển cả mênh mông, cách xa đất liền, không có phương tiện đi lại nên tù nhân khó thoát, người ở bên ngoài cũng khó tiếp cận, thực dân Pháp xem Côn Đảo là một nơi lý tưởng để lập nhà tù tàn khốc nhất lịch sử. Ở nơi đảo xa này, những chiến sĩ cách mạng sẽ bị cắt đứt mọi quan hệ với gia đình, xã hội, quần chúng nhân dân và  các phong trào yêu nước. Ngày 01-02-1862, thực dân Pháp chính thức thành lập nhà tù Côn Đảo, đây được xem là ngày mở đầu cho 113 năm lịch sử (1862 - 1975) của nhà tù tàn khốc được ví như “địa ngục trần gian”. Không lâu sau đó, thực dân Pháp đã cho tàu chở 50 tù nhân đầu tiên ra Côn Đảo, khởi đầu cho quá trình xây dựng “địa ngục”.

Hệ thống Nhà tù Côn Đảo thời Pháp bao gồm các trại giam Bagne (Banh) I - hay còn gọi là Trại Phú Hải; Bagne II - Trại Phú Sơn; Bagne III - Trại Phú Thọ - Biệt lập chuồng gà; Bagne III phụ - Trại Phú Cường; Biệt lập chuồng bò; chuồng cọp. Đó là những khu nhà được xây kiên cố bằng gạch đá nằm khuất sau 4 bức tường cao, trên có cắm mảnh chai và chăng dây thép gai hoàn toàn cách biệt với đời sống bên ngoài. Cùng với việc xây dựng các trại giam, thực dân Pháp cũng bắt tay vào việc thành lập các sở tù như: Sở vôi, sở muối, sở củi, sở lưới, sở tiêu, sở rẫy… để khai thác, bóc lột sức lao động của những người tù.

Tại nơi này, thực dân Pháp đã giam cầm, xiềng xích và thực hiện những đòn tra tấn tàn bạo, dã man nhằm dập tắt ý chí chiến đấu kiên cường của người chiến sĩ. Khu Chuồng Cọp là nơi giam cầm và tra tấn tù nhân dã man và tàn bạo nhất của hệ thống nhà tù Côn Đảo. Tại đây, hàng ngàn tù nhân nam lẫn nữ đã bị hành hạ khổ sai, nhiều chiến sĩ cách mạng, người yêu nước đã hi sinh vì những nhục hình ở nơi này. Ở Chuồng cọp, mỗi buồng giam có những hàng song trần ở trên nóc buồng giam, bên trên là lối đi dành cho cai ngục theo dõi tù nhân. Những tên cai ngục tàn bạo cầm gậy dài sẵn sàng chọc xuống người tù bên dưới. Nếu tù nhân chống đối, cai ngục sẽ rắc vôi bột xuống mịt mù xuống buồng  giam. Chuồng cọp còn có hệ thống nhà giam không có mái che được gọi là “phòng tắm nắng”, tù nhân sẽ bị lột bỏ hết quần áo và nằm phơi mình ra giữa trời nắng gắt, mưa rào. Đây cũng là nơi bọn cai ngục dùng để tra tấn, đánh đập tù nhân.

Không chỉ bị đòn roi và những màn tra tấn dã man, những người chiến sĩ ở nhà tù Côn Đảo còn bị bắt lao dịch khổ sai như đập đá, làm đường, xây dựng cầu tàu, đốn gỗ, xay lúa, lấy san hô nung vôi...

Dù lao động cực khổ nhưng những người chiến sĩ không được ăn uống tử tế, bọn cai tù thường trộn lẫn cơm cùng với cát, sạn, thóc, trấu, mảnh sành, mắm hư, khô mốc, thậm chí có cả dòi bọ. Nhiều cuộc đấu tranh của những người tù Côn Đảo đã nổ ra để phản đối lại chính sách bạo tàn của thực dân Pháp.

Sau năm 1954, chính quyền Mỹ- ngụy tiếp tục duy trì chế độ nhà tù mà thực dân Pháp để lại ở Côn Đảo. Ngoài việc sửa chữa, cải tạo lại hệ thống trại giam có từ thời Pháp, từ năm 1962 đến năm 1971 Mỹ- ngụy xây dựng thêm 4 trại giam mới gồm Trại 5 (Trại Phú Phong); Trại 6 (Trại Phú An); Trại 7 (Trại Phú Bình - Chuồng cọp kiểu Mỹ) và Trại 8 (Trại Phú Hưng). Mỗi trại tù có 2 dãy, mỗi dãy có 48 phòng giam biệt lập. Ngoài ra, chúng còn xây dựng nhiều trại giam phụ tại các sở tù để sẵn sàng giam giữ, đàn áp những người tù lao động chống đối. Chế độ nhà tù thời Mỹ - Ngụy cũng vô cùng tàn bạo với nhiều màn tra tấn dã man cả thể chất lẫn tinh thần người chiến sĩ.

Mặc dù phải sống trong địa ngục tàn bạo nhất trần gian nhưng những người chiến sĩ cách mạng vận không hề khuất phục, luôn đứng lên đấu tranh và xem nhà tù là chiến trường, nơi trui rèn tâm trí của người cộng sản.

“Tất cả những người tù Côn Đảo đều gọi Côn Đảo là địa ngục, một thứ địa ngục trần gian. Nghe người ta nói, ở địa ngục, trên có Diêm Vương hung ác, dưới có bọn quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa. Để hành hạ người chết, có vạc dầu nấu sôi, sông lúc nhúc mãng xà rắn rết, có chỗ cưa chân xẻ tay, róc thịt chẻ xương. Không biết, có địa ngục và địa ngục có những cảnh đó không, nhưng ở Côn Đảo, những cảnh đó không thiếu và còn gấp trăm gấp nghìn thế là khác”. Đây là những lời mở đầu cuốn tiểu thuyết “Vượt Côn Đảo” của nhà văn Phùng Quán viết năm 1954.

Bảo tàng Côn Đảo

Bảo tàng Côn Đảo xây dựng khởi công xây dựng vào ngày 6/12/2009 và hoàn thành vào ngày 10/10/2010 là một trong những công trình chào mừng kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Bảo tàng Côn Đảo mở cửa phục vụ khách tham quan từ ngày 6/9/2013. Bảo tàng nằm trên đường Nguyễn Huệ, gần di tích Chuồng Cọp Pháp, trong khuôn viên rộng hơn 2 ha, diện tích xây dựng 3.570 m2, diện tích trưng bày 1.700m2.

Bảo tàng Côn Đảo trưng bày gồm 01 gian khánh tiết và 04 chủ đề:

Chủ đề 1: Côn Đảo thiên nhiên con người
Chủ đề 2: Côn Đảo địa ngục trần Gian
Chủ đề 3: Côn Đảo trận tuyến, trường học
Chủ đề 4: Côn Đảo ngày nay

Du khách đến tham quan Bảo tàng Côn Đảo sẽ được nghe giới thiệu trên sa bàn khái quát về Côn Đảo. Sau đó, lần lượt tham quan các hình ảnh, hiện vật trưng bày tố cáo tội ác dã man qua hai chế độ cai trị của chính quyền Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ cùng với chính quyền tay sai của chúng. Những hình ảnh, chân dung các chiến sĩ tù chính trị ở Côn Đảo, những hình ảnh về cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng, những tù nhân bị giam cầm được tái hiện sinh động thể hiện chân thực một chế độ nhà tù tàn bạo, dã man. Tại đây, cũng được chứng kiến các tư liệu bản án kết án tử hình nhiều chiến sĩ cộng sản trong đó có nữ liệt sĩ anh hùng Võ Thị Sáu. Du khách vừa tham quan vừa được nghe thuyết minh viên giới thiệu về các tư liệu hiện vật về những tấm gương kiên cường, bất khuất của những người yêu nước, những chiến sĩ cộng sản anh hùng. Qua đó, càng thêm xúc động và biết ơn sự hy sinh anh dũng  để giành lại độc lập, tự do cho Tổ Quốc của thế hệ cha ông.

Các hiện vật trưng bày tại đây là minh chứng chân thật cho những tội ác của thực dân và đế quốc; đồng thời thể hiện rõ nơi đây là một trận tuyến, một trường học đấu tranh cách mạng của các chiến sĩ Cộng sản và những người yêu nước Việt Nam trong suốt quá trình bị thực dân, đế quốc xâm lược.

Bảo tàng Côn Đảo còn có khu trưng bày ngoài trời là không gian mở, diện tích rộng không có mái che, nên chỉ có thể trưng bày một số hiện vật hình khối lớn có giá trị lịch sử, kết hợp với thảm cỏ, bồn hoa, cây xanh, vừa mở rộng không gian trưng bày vừa làm đẹp cho cảnh quan xung quanh Bảo tàng. Đây cũng là không gian thư giãn của du khách nên cũng có thể giới thiệu những bộ sưu tập hiện vật về khảo cổ học tại Côn Đảo như thể hiện hố khai quật làng cổ Hòn Cau, khu mộ vò cồn Hải Đen Côn Đảo, khu mộ vò cồn Miếu Bà Côn Đảo…

Bảo tàng Côn Đảo là nơi lưu trữ, tái hiện và giữ gìn những giá trị về một lịch sử đấu tranh kiên cường đồng thời là minh chứng rõ nét cho chế độ nhà tù tàn khốc của “địa ngục trần gian” suốt 113 năm. Đây là điểm đến không thể bỏ qua khi du khách đến với Côn Đảo.

Công ty thành viên :

DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH