Về Đất Đỏ thăm nữ anh hùng Võ Thị Sáu

Thời kháng chiến chống Pháp, nữ anh hùng Võ Thị Sáu là người con gái duy nhất bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo và hành hình tại đây. Tấm gương anh hùng của Chị Võ Thị Sáu đã trở thành niềm tự hào của tuổi trẻ Việt Nam. Nếu có đến Bà Rịa - Vũng Tàu, hãy ghé viếng thăm  Đền thờ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, thăm tượng đài chị Võ Thị Sáu ở quê hương Chị-  huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Huyền thoại về người nữ anh hùng Võ Thị Sáu:

“Mùa hoa lê ki ma nở
Ở quê ta miền Đất Đỏ
Thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng
Đã chết cho mùa... hoa lê ki ma nở
Đời sau vẫn còn nhắc nhở
Sông núi đất nước ơn người anh hùng
Đã chết cho đời sau…”

Những câu hát đầy xúc động trong bài hát “Biết Ơn Chị Võ Thị Sáu” đã trở nên quen thuộc với người dân huyện Đất Đỏ và nhân dân cả nước. Bài hát là lời tri ân và nhắc nhở cho thế hệ trẻ đời sau về huyền thoại bất khuất của người nữ anh hùng miền Đất Đỏ.

Nữ anh hùng Võ Thị Sáu sinh năm 1933 tại xã Phước Thọ, quận Đất Đỏ, nay là huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Thân sinh của nữ anh hùng là ông Võ Văn Hợi và bà Nguyễn Thị Đậu. Ông bà có sáu người con, Chị Sáu là người con thứ năm trong gia đình (theo cách gọi ở Nam bộ là thứ sáu).

Năm 1947, khi mới 14 tuổi, nữ anh hùng Võ Thị Sáu đã gia nhập vào đội Công an xung phong quận Đất Đỏ với nhiệm vụ trinh sát.

Trong khoảng thời gian này, chị Sáu tham gia nhiều trận chiến đấu để bảo vệ quê hương, dùng lựu đạn tiêu diệt hai tên ác ôn và làm bị thương nhiều lính Pháp.Người con gái Đất Đỏ còn nhiều lần phát hiện gian tế, tay sai Pháp, giúp đội công an thoát khỏi nguy hiểm, chủ động tấn công địch.

Tháng 7/1948, Công an Đất Đỏ được giao nhiệm vụ phá cuộc mít tinh kỷ niệm Quốc khánh Pháp, Biết đây là nhiệm vụ gian nan, nguy hiểm, chị Sáu vẫn chủ động xin được trực tiếp đánh trận này.Chị nhận lựu đạn, giấu vào góc chợ gần khán đài từ nửa đêm. Sáng hôm đó, địch lùa người dân vào sân. Khi xe của tỉnh trưởng tới, chị ném lựu đạn về phía khán đài, uy hiếp giải tán mít tinh.

Hai tổ công an xung phong ở gần đấy đồng loạt nổ súng yểm trợ tạo áp lực giải tán cuộc mít tinh, đồng thời hỗ trợ cho chị Sáu rút an toàn. Sau chiến công này, chị Sáu được tổ chức tuyên dương khen ngợi và được giao nhiệm vụ diệt tề trừ gian, bao gồm việc tiêu diệt tên cai tổng Tòng.

Tháng 11/1948, Võ Thị Sáu mang theo lựu đạn, trà trộn vào đám người đi làm căn cước. Giữa buổi, chị ném lựu đạn vào nơi làm việc của Tòng, hô to “Việt Minh tấn công” rồi kéo mấy chị em cùng chạy. Lựu đạn nổ, tên Tòng bị thương nặng nhưng không chết. Tuy nhiên, vụ tấn công khiến bọn lính đồn khiếp vía.

Tháng 2/1950, Võ Thị Sáu tiếp tục nhận nhiệm vụ ném lựu đạn, tiêu diệt hai chỉ điểm viên của thực dân Pháp là Cả Suốt và Cả Đay rồi không may bị bắt.

Trong hơn một tháng bị giam tại nhà tù Đất Đỏ, dù bị giặc tra tấn dã man, chị  vẫnkhông khai báo. Địch phải chuyển chị về khám Chí Hòa. Chị Sáu tiếp tục làm liên lạc cho các đồng chí trong khám, cùng chị em tại nhà tù đấu tranh đòi cải thiện cuộc sống nhà tù.

Trước tinh thần đấu tranh quyết liệt của Võ Thị Sáu, thực dân Pháp và tay sai mở phiên tòa, kết án tử hình đối với nữ chiến sĩ trẻ. Chúng chuyển chị cùng một số người tù cách mạng ra nhà tù Côn Đảo.Nhờ sự kiên cường, dũng cảm, trung thành, Võ Thị Sáu được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam và công nhận là Đảng viên chính thức ngay đêm trước khi hy sinh.

Trong quá trình bị bắt, tra tấn và đến tận những giây phút cuối cùng, Võ Thị Sáu luôn chứng tỏ bản lĩnh kiên cường, bất khuất của chiến sĩ cộng sản.

Khi mới bị bắt, địch tra tấn chị chết đi sống lại nhưng không moi được nửa lời khai báo.

Khi nhận án tử hình, chị Sáu không hề run sợ. Chị hô to “Đả đảo thực dân Pháp!”, “Kháng chiến nhất định thắng lợi!”.

Năm 1952, trước giờ hành hình, viên cha đạo đề nghị làm lễ rửa tội cho chị. Song chị từ chối và nói: “Tôi không có tội. Chỉ có kẻ sắp hành hình tôi đây mới có tội”. Đối mặt cái chết, điều khiến người con gái Đất Đỏ ân hận nhất là chưa diệt hết bọn thực dân và tay sai cướp nước.

Giai thoại kể rằng khi ra đến pháp trường, Võ Thị Sáu kiên quyết không quỳ xuống, yêu cầu không bịt mắt.

“Không cần bịt mắt tôi. Hãy để cho đôi mắt tôi được nhìn đất nước thân yêu đến giây phút cuối cùng và tôi có đủ can đảm để nhìn thẳng vào họng súng của các người!”, chị tuyên bố.

Nói xong, chị Sáu bắt đầu hát Tiến quân ca. Khi lính lên đạn, chị ngừng hát, hô vang những lời cuối cùng “Đả đảo bọn thực dân Pháp. Việt Nam độc lập muôn năm. Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Nữ anh hùng Võ Thị Sáu đã anh dũng hy sinh lúc 7 giờ sáng ngày 23/01/1952.

Cuộc đời cách mạng  bất khuất và sự hy sinh anh dũng của chị đã trở thành huyền thoại.

Nhà Tưởng niệm và tượng đài anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu

Mộ nữ anh hùng Võ Thị Sáu được xây dựng rất trang trọng tại nghĩa trang Hàng Dương (huyện Côn Đảo). Còn ở quê hương Đất Đỏ của Chị có khu Công Viên tượng đài, nhà lưu Niệm anh hùng Võ Thị Sáu - một điểm về nguồn, giáo dục truyền thống Cách mạng cho thế hệ trẻ vùng đất Đất Đỏ.

*** Khu công viên tượng đài anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu

Khu công viên tượng đài anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu có vị trí tại trung tâm Huyện Đất Đỏ, nằm giữa trục đường quan trọng quốc lộ 55 và tỉnh lộ 51, nối hai huyện Long Điền và Xuyên Mộc, được khởi công bắt đầu từ năm 1982 đến năm 1985 mới chính thức hoàn thành. Sau năm 1975, Huyện Uỷ, UBND H. Long Đất đã chọn nơi đây làm nơi làm việc của phòng công an huyện Long Đất.

Ban đầu, tượng đài Chị Võ Thị Sáu được làm bằng thạch cao và đặt tại vị trí trung tâm khu vực công viên nên nơi đây được gọi là công viên tượng đài Anh Hùng Liệt Sĩ Võ Thị Sáu. Đến năm 1986, quân và dân của huyện đã dựng tượng đài bằng đồng thay thế cho tường thạch cao do nhà điêu khắc Trần Thanh Thanh và các thợ đúc có tiếng ở Bình Dương thực hiện. Tượng đài cao 6m đặt trên bệ bê tông cao 2m đặt trung tâm khu công viên Võ Thị Sáu.

Đến năm 2001 nhờ sự hỗ trợ từ các nguồn, quân và dân huyện Long Đất cho xây dựng đền thờ Anh Hùng Liệt Sĩ Võ Thị Sáu ngay sau lưng tượng đài. Tổng diện  tích xây dựng là 960 m2 chia thành 2 tầng 1 trệt và 1 lầu. Trên tầng lầu là khu trưng bày các tư liệu hình ảnh về cuộc đời hoạt động cách mạng của nữ anh hùng Võ Thị Sáu từ khi Chị bắt đầu tham gia cách mạng cho đến khi bị bắt và hy sinh ở nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo cùng  các hình ảnh liên quan của huyện Đất Đỏ qua các thời kỳ.

Năm 2011, quân và dân huyện Đất Đỏ cho trùng tu và sửa chữa lại toàn bộ khu công viên tượng đài Anh Hùng Liệt Sĩ  Võ Thị Sáu đồng thời cho xây dựng tấm phù điêu ngay phía sau tượng đài. Trên tấm phù điêu ghi lại toàn bộ quá trình từ lúc Chị Võ Thị Sáu tham gia vào cách mạng cho đến khi bị bắt và hy sinh.

*** Di tích nhà lưu niệm nữ anh hùng Võ Thị Sáu

Di tích nhà lưu niệm anh hùng Võ Thị Sáu là một trong ba di tích lịch sử cấp quốc gia tại địa phận huyện Đất Đỏ tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Khu nhà này tọa lạc tại thị trấn Đất Đỏ nằm dọc theo tuyến (lộ 23) thuộc quốc lộ 55 ngày nay.

Nhà lưu niệm nữ anh hùng Võ Thị Sáu là căn nhà thứ 4 trong dãy 8 căn do làng xây dựng và được gia đình Chị Võ Thị Sáu thuê lại để sinh sống và buôn bán nằm ở trung tâm chợ Đất Đỏ. Toàn bộ căn nhà được làm bằng gỗ với kiến trúc hết sức thô sơ, các vì kèo không chạm trổ mà chỉ có các đường rọi chỉ trắng thuộc loại kiến trúc dân dụng phố thị bình dân đương thời. Căn nhà có chiều dài 9,9m, rộng 3m, cao 4,9m. Toàn bộ ngôi nhà được chống đỡ bởi 3 hàng cột tương đối lớn gồm cột cái, cột con và cột hiên.

Toàn bộ căn nhà được chia làm 3 phòng nhỏ: phòng 1, phòng 2 là nơi nghỉ ngơi của gia đình Chị Sáu. Phòng 3 là khu vực bếp và chuồng ngựa. Cả 3 phòng cách nhau chỉ bởi 1 vách ngăn mỏng bằng gỗ. Từ ngoài đi vào cửa chính rộng 1m, cao 1,8m các phòng thông với nhau bởi các cửa phụ có diện tích và hướng giống như cửa chính.

Bên phải của phòng, sát vách có kê 1 bộ ván bằng gỗ rộng 1,2m, dài 1,8m, đây là nơi nghỉ ngơi của các anh chị em trong gia đình chị Sáu.

Dụng cụ sử dụng trong gia đình rất thô sơ và được sắp xếp gọn gàng ngăn nắp. Bàn thờ tổ tiên được đặt tại trung tâm giáp vách ngăn của phòng 1 và phòng 2. Trên bàn thờ có bộ lư bằng đồng, hai bên có treo 2 câu đối, và có tấm bình phong bằng giấy. Phòng 2 sát cửa có 1 hầm trú bom, được gia đình đào để ẩn nấp bom đạn trong thời kỳ chiến tranh, có thể chứa tối đa 10 người cùng lúc. Hiện nay,  nhằm để cải tạo lại căn nhà  cũng như chống sụt lún, hầm này đã được lấp lại. Di tích nhà lưu niệm nữ anh hùng Võ Thị Sáu đã được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1995.

Nếu có dịp đến Bà Rịa- Vũng Tàu, hãy nhớ ghé huyện Đất Đỏ thăm nữ anh hùng Võ Thị Sáu và nghe kể về huyền thoại anh hùng bất khuất của Chị.

Công ty thành viên :

DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH