Xuân về đi lễ cầu an ở Vân Sơn Tự

Tết đến Xuân về, viếng chùa lễ Phật vốn là nét văn hóa truyền thống của người Việt nên chẳng có gì lạ khi từ Bắc vào Nam, mỗi vùng đất chúng ta đi qua đều có những ngôi chùa từ cổ kính đến hiện đại. Đó là tín ngưỡng tâm linh, nơi gửi gắm những kỳ vọng, những ước mơ cũng như giúp cho con người có một chốn an yên trong tâm hồn. Và nơi xa xôi ngoài Côn Đảo cũng có một ngôi chùa rất nổi tiếng là Vân Sơn Tự và cũng là ngôi chùa duy nhất trên đảo.

Huyện Côn Đảo (hay còn gọi là Côn Sơn, Côn Lôn) thuộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, cách trung tâm thành phố Vũng Tàu 97 hải lý. Nơi gần nhất trên đất liền cách Côn Đảo chỉ 40 hải lý là xã Vĩnh Hải – thị xã Vĩnh Châu – tỉnh Sóc Trăng. Nhắc đến Côn Đảo người ta ngay đến nơi đây từng là nhà tù khét tiếng và lớn nhất Đông Dương trước năm 1975. Với những hình thức giam giữ và tra tấn những chiến sĩ cộng sản yêu nước một cách man rợ và tàn bạo Côn Đảo bấy giờ được ví như “Địa ngục trần gian”. Nhưng Côn Đảo ngày nay đã là thiên đường du lịch nghỉ dưỡng, du khách đến đây không chỉ đường sống lại với những ký ức hào hùng của dân tộc Việt Nam mà còn được khám phá thiên nhiên Côn Đảo xinh đẹp.

Nếu đến Côn Đảo vào dịp Tết Nguyên Đán, du khách còn được hòa mình vào không khi du Xuân trên đảo, viếng chùa Vân Sơn hái lộc đầu năm.

Vân Sơn tự hay còn gọi là chùa Núi Một được chính quyền Mỹ ngụy cho xây dựng vào năm 1964, mục đích ban đầu là để tuyên truyền cho sự tự do tín ngưỡng tôn giáo, che mắt thế giới về sự thống trị tàn bạo và giảm căng thẳng về tình hình nhân quyền xung quanh nhà tù chính trị Côn Đảo đang tăng cao. Ngôi chùa do chính những người tù lao động khổ sai và công nhân trên đảo xây dựng bằng những dụng cụ thô sơ, đá phải khuân vác bằng sức người từ chân núi đưa lên đỉnh. Trong những năm tháng chiến tranh chùa cũng chịu sự tàn phá nặng. Sau năm 1975, chùa được trùng tu và tôn tạo lại, trở thành điểm thờ Phật và tín ngưỡng tâm linh của cư dân trên đảo.

Tổng diện tích ngôi chùa là 19.434 m2 gồm các hạng mục: Cổng chào, gác chuông, tượng Phật Bà Quan Âm, miếu Địa Tạng, miếu Sơn Thần, nhà thờ tổ, nhà khách. Đây là một ngôi chùa với kiến trúc truyền thống nổi bậc nhất là tượng Bà Quan Âm tay cầm bình cam lộ cao 2m. Ngoài ra các tượng Phật trong chính điện không to lớn hoành tráng nhưng lại được điêu khắc rất tỉ mỉ và tinh xảo, xung  quanh là các cột gỗ được chạm trổ tinh tế và có giá trị nghệ thuật.

Ngôi chùa tọa lạc trên núi Một, lưng tựa núi mặt hướng biển tạo thành thế vững chãi với tầm nhìn bao quát một vùng Côn Đảo rộng lớn. Hướng Nam là cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, hướng Đông là vịnh Côn Sơn và thị trấn Côn Đảo ngay phía bắc phía xa là đồng sen An Hải mênh mông.

Để lên đến chùa, bạn có thể đi bằng xe máy của người địa phương hoặc đi bộ chinh phục đoạn đường khoảng 500m. Đến nơi là không gian thanh tịnh chốn Phật môn, vang vọng tiếng chuông ngân xen lẫn hương khói thoang thoảng sẽ thấy lòng nhẹ nhàng an yên giữa bao la biển trời Côn Đảo.

Vì chùa trên núi, nên thời gian thích hợp nhất để viếng là mùa khô (khoảng tháng 10 đến tháng 3 năm sau). Đặc biệt nếu đi vào đúng Tết Âm lịch lúc này tiết trời mát mẻ khô ráo thuận tiện leo núi và ngắm cảnh. Trong chùa, không khí ngày Xuân vui mừng chào đón khách thập phương  với những bức hoành phi, câu đối đỏ, xung quanh được trang hoàng nhiều bồn hoa kiểng mang lại không khí vui tươi mừng năm mới. Đây là dịp cư dân trên đảo nô nức lên chùa, cầu phước lành và may mắn, nhất là những ngư dân thường lênh đênh trên biển, họ đến đây mong mưa thuận gió hòa và những chuyến ra khơi bình an.

Tham quan Côn Đảo, sau khi tìm hiểu về những di tích lịch sử, nghe kể về những huyền thoại đấu tranh tại nhà tù khét tiếng Đông Dương, thư giãn tại những bãi tắm hoang sơ, thưởng thức những món ngon trên đảo,… bạn đừng quên dừng chân tại Vân Sơn tự, ngôi chùa xinh đẹp duy nhất trên đảo nằm trên đỉnh núi Một và cũng là nơi lý tưởng để “check in” với những bức ảnh tuyệt đẹp.

Công ty thành viên :

DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH