Khám phá các nhạc cụ cổ trên thế giới tại Đắk Nông

Không chỉ được biết đến với hệ thống hang động núi lửa độc đáo, công viên địa chất Đắk Nông còn được mệnh danh là xứ sở của những âm điệu. Đắk Nông là vùng đất giàu có về văn hoá truyền thống của các tộc người bản địa, tạo nên dòng chảy xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại và tương lai.

Nhà trưng bày nhạc cụ cổ xưa ở bản Đắk R’moan, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Nơi đây trưng bày 57 loại nhạc cụ của các dân tộc trên thế giới và các loại đàn đá, nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc M’Nông. Các loại nhạc cụ được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như đá, xương động vật, tre, nứa, bầu...

Bên cạnh các dụng cụ truyền thống của đồng bào M’nông, tại đây cũng đang trưng bày các loại nhạc cụ của các dân tộc trên thế giới. Các nhạc cụ này được chia làm nhiều thể loại như gõ, khí, màng rung… Điển hình như kèn thổi thần chết Aztec của người Maya (Mexico); kèn sừng bò (Israel); bộ gõ Maracas của thổ dân Mỹ; gậy mưa của New Zealand; bộ lắc hình động vật và người (thời kỳ đá mới) của Pháp; bộ nhạc ống Angklung của Indonesia; bộ nhạc cụ cọ xương thời kỳ đồ đá của Cuba; bộ trống thời kỳ đồ đá của Brazil; trống lắc tay Nhật Bản…

Việc hình thành nhà trưng bày đàn đá cũng nhằm thể hiện nét đặc trưng, độc đáo, mới lạ của công viên địa chất Đắk Nông. Nhà trưng bày nhạc cụ cổ xưa có giá trị, ý nghĩa đặc biệt trong việc giới thiệu di sản văn hóa độc đáo của đồng bào thiểu số. Đây còn là một địa điểm được kỳ vọng là điểm đến thu hút du khách nằm trong tuyến du lịch công viên địa chất Đắk Nông.

Nhà triển lãm âm thanh không chỉ là nơi trưng bày, mà còn là hành trình khám phá những âm thanh kết hợp từ các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam và những âm thanh được sáng tạo bằng công nghệ, do những nghệ sĩ quốc tế dành riêng cho công viên địa chất Đắk Nông. Tổng thể của khu trưng bày được thiết kế thành 8 phòng riêng biệt với 7 chủ đề mang đặc trưng âm thanh đến từ những chất liệu khác nhau cũng như cách thức diễn tấu riêng biệt, gồm âm thanh của đá, gió, nước, gỗ, lửa, ánh sáng và âm thanh của con người, được lấy cảm hứng từ ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ với sự tương quan lẫn nhau.

Tham quan nhà triển lãm âm thanh, du khách còn có dịp trải nghiệm nghệ thuật tương tác, với sự hỗ trợ của công nghệ, để tạo ra những hiệu ứng âm thanh độc đáo như: chạm tay vào đá tạo âm thanh, dùng màn hình điện thoại chiếu sáng những bông hoa, mỗi bông hoa sẽ phản hồi lại những âm thanh khác nhau tùy thuộc vào cường độ ánh sáng, tương tác giữa người với người tạo ra những âm thanh khác nhau…

Theo quan niệm của người M’Nông, đàn đá là loại nhạc cụ cổ xưa, là sợi dây kết nối con người và thế giới tâm linh. Ngày nay, đàn đá vẫn sống động trong tâm thức và đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc bản địa tỉnh Đắk Nông. Bộ đàn đá đầu tiên được phát hiện ở suối Đắk Kar thuộc xã Quảng Tín, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông có tên gọi là Đàn đá Đắk Kar. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, đàn có niên đại khoảng 2500 năm, được làm từ chất liệu đá sừng cordierite, qua gia công ghè đẽo, chế tác, người tiền sử đã tạo ra bộ đàn đá hoàn chỉnh gồm 3 thanh, trên 2 đầu của 3 thanh đều có dấu tích sử dụng ở một mặt. Bộ đàn đá này gồm 3 thanh: Thanh T’ru (cha), Thanh T’rơ (mẹ), Thanh Tê (con).

Bộ đàn đá thứ 2 được phát hiện năm 2014 tại thôn Đắc Sơn, xã Nam Xuân, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông được đặt tên là Đàn đá Đắc Sơn. Bộ đàn đá này gồm có 16 thanh, trong đó có 11 thanh còn nguyên vẹn, 5 thanh đã bị gãy đôi hoặc thành nhiều đoạn nhưng có thể gắn chắp nguyên dạng.

Mời bạn hãy củng Du lịch Hòa Bình đến thăm Đắk Nông và tự mình đến thưởng lãm những bộ nhạc cụ cổ xưa và độc đáo này nhé.

Công ty thành viên :

DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH
DOI-TAC-HOA-BINH